Sáng ngày 25/10, tại 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra họp báo Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. Đây là 2 hoạt động chính trong chuỗi sự kiện “Festival làng nghề Việt Nam năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức.Dự và chủ trì họp báo có ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và PTNT; ông Phạm Văn Duy – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và ông Nguyễn Minh Tiến – GĐ Trung tâm XTTM Nông nghiệp. Ngoài ra tham dự chương trình còn có các thành viên Ban giám khảo Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022; các đồng chí lãnh đạo phòng ban chức năng của Trung tâm XTTM Nông nghiệp, Cục Chế biến và PTTT Nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TW; các đồng chí phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.
Đ/c Nguyễn Minh Tiến – GĐ Trung tâm XTTM Nông nghiệp phát biểu khai mạc họp báo
Diễn ra từ ngày 02-6/11/2022 tại 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP lần thứ 18 – năm 2022 có quy mô 150 gian hàng tiêu chuẩn và 1200m2 sàn trưng bày được thiết kế đặc biệt. Tính đến thời điểm hiện tại, BTC đã tổng hợp được 136 gian hàng tiêu chuẩn, 216m2 đất trống tự dựng gian hàng, 1200m2 sàn trưng bày sản phẩm của 84 đơn vị, trong đó 63 đơn vị là các Doanh nghiệp, HTX và 21 đơn vị địa phương gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đắk Nông, Bình Thuận, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên… Các sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ, điển hình như: gạo Séng Cù Lào Cai, gạo nàng thơm Chợ Đào Long An, bánh đậu xanh Hải Dương, chè Tân Cương Thái Nguyên, chè Shan tuyết Hồng Thái Tuyên Quang, cam Vinh, nho Ninh Thuận, xoài cát Cao Lãnh, gà Đông Tảo, hành tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang, rượu Shan Lùng, hải sản Phan Thiết, nem chua Thanh Hóa, chả mực Hạ Long, chả ram tôm đất Bình Định, bò một nắng Phú Yên, cơm cháy, thịt dê Ninh Bình, cá sông Đà, bánh tráng Nhơn Hòa, lạp xưởng Cần Đước, nấm linh chi, hạt sen Tân Thạnh, đậu phộng rang Đức Hòa…. Cùng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, phố nghề truyền thống: gốm Bồ Bát Ninh Bình, Lụa Nha Xá Thanh Trì, Hà Nội, gốm sứ vẽ thủ công Bắc Giang, dệt thổ cẩm, gốm nung, thủ công mỹ nghệ mây tre đan Ninh Thuận, dệt thổ cẩm Hòa Bình, dệt lanh, thổ cẩm Hà Giang, trầm hương Quảng Nam, dệt thêu thổ cẩm dân tộc Dao, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre, gỗ mỹ nghệ Phú Thọ….
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hoàng Yến trình bày về nội dung Hội thi
Trong khuôn khổ Hội chợ còn diễn ra các hoạt động Hội nghị, Hội thảo “Hội thảo Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và làng nghề” diễn ra vào sáng 3/11/2022 và “Hội nghị Tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phù hợp nhu cầu thị trường” diễn ra vào chiều 3/11/2022; Tổ chức thao diễn chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Tổ chức đưa đoàn nông dân, thợ thủ công, sinh viên các trường nông nghiệp thuộc các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Hồng đến tham quan, học tập tại Hội chợ.
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 được tổ chức dựa trên thành công của Hội thi lần thứ nhất năm 2020. Hội thi được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan toả các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đến nay, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả của cả 03 miền. Trong đó, Miền Bắc là 247 sản phẩm của 126 tác giả; Miền Trung là 32 sản phẩm của 15 tác giả, Miền Nam là 85 sản phẩm của 49 tác giả. Phân theo nhóm sản phẩm: Nhóm gốm sứ và thủy tinh là 37 sản phẩm; nhóm dệt, thêu đan, móc là 83 sản phẩm; nhóm mây, tre, lá là 93 sản phẩm; nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ là 75 sản phẩm và nhóm khác là 76 sản phẩm (sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí; hoa, tranh…).
Đại diện báo chí trao đổi với BTC về công tác tổ chức Hội chợ và Hội thi
Các sản phẩm đạt giải Hội thi thủ công mỹ nghệ sẽ được tôn vinh, trưng bày tại Khu trưng bày chung trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18. Đánh giá về chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ dự thi năm nay so với năm trước, ông Lê Huy Văn – Nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp – Uỷ viên Hội đồng giám khảo Hội thi cho biết “Chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ được gửi đến dự thi năm nay có sự “thắng lợi” hơn năm trước về quy mô cũng như chủng loại sản phẩm. Đặc biệt nhiều sản phẩm dự thi đã áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới ứng dụng vào trong quá trình tạo ra sản phẩm. Tuy vậy, nhiều sản phẩm dự thi lại quá lạm dụng công nghệ, một số sản phẩm sao chép quá tinh vi, thiếu tỷ lệ màu sắc, tỷ lệ cân đối, đối xứng sản phẩm, thiếu ý tưởng sáng tạo”. Ông cũng nhấn mạnh, các ý tưởng sáng tạo cũng cần phải học hỏi thông qua thị trường và các giao dịch và các nghệ nhân trẻ là những đối tượng cần được được đào tạo, tập huấn kỹ càng hơn nữa nếu muốn tiến xa hơn. BTC cũng cho biết, kết quả giải thưởng sẽ được công bố tại Lễ trao giải Hội thi sản phẩm thu công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 trong buổi Lễ khai mạc Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 tại tầng 2, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 – năm 2022 mở cửa đón khách tham quan từ 8h30-21h00 bắt đầu từ ngày 02/11 đến hết ngày 6/11 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Agritrade