“Phố có phố trong làng, một vùng chiêm trũng có phố trong làng, đường Cầu Giẽ cửa ngõ phía nam. Phố có phố trong làng làng nghề cha ông nối dài con phố. Phú Xuyên làng Phú Xuyên phố, ở làng quê tôi có phố trong làng”, đây là những câu trong bài hát Phố trong làng của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh viết về mảnh đất Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Mảnh đất với những làng nghề truyền thống, mà từ đó đời sống của người dân được cải thiện, những giá trị nhân sinh tốt đẹp được gìn giữ bảo tồn.
Cả xã khảm trai
Chuôn Ngọ có gốc bồ đề
Có sông tắm mát có nghề khảm trai
Trong ký ức của những nghệ nhân làng nghề Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, ông Trần Bá Dinh có một vị trí trang trọng.
Không chỉ được người làng tôn vinh là “người giữ lửa nghề khảm trai” mà năm 1968 ông vinh dự được chọn là người làm món quà để Bác Hồ tặng Chủ tịch Fidel Castro trong lần Người cùng đoàn cán bộ Chính phủ sang thăm Cuba.
Nghệ nhân Trần Bá Dinh còn tạo nên kỷ lục, làm hàng trăm bức khảm chân dung Bác Hồ và chuyên khảm trai truyền thần chân dung các lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Ông đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” với những bức tranh truyền thần về Bác Hồ và rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác. Sau khi ông mất, con trai ông, anh Trần Bá Trúc, người được bố truyền nghề từ năm 15 tuổi, vẫn quyết giữ nghề và tiếp tục phát huy những thành tựu mà cha mình đạt được, góp phần làm nên “thương hiệu tranh khảm trai Chuôn Ngọ”.
Nét đặc sắc của tranh khảm trai vùng này là những mảnh trai luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít, tạo thành những đường nét tinh xảo.
Trước đây, người thợ khảm trai chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè; những bức tranh thì lấy đề tài từ các tuồng tích truyện như: Tam cố thảo lư, Văn vương cầu hiền, Trương Lương nhặt giày… hay theo mẫu ước lệ như: tứ bình, tứ quí, tứ dân…
Ngày nay, đề tài đã phong phú hơn rất nhiều. Đó là các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, Ngọ Môn Huế, chợ Bến Thành… Nhờ đã dạng và phong phú về mẫu mã, sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ ngày càng đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Anh Nguyễn Văn Lăng cũng là một nghệ nhân nức tiếng của thôn Chuôn Ngọ, đã có hơn 20 năm dành trọn tình yêu với nghề khảm trai, cho biết để bức khảm có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải tìm được những loại gỗ có đường vân đẹp để làm mặt như: gỗ gụ, gỗ trắc… và chọn nguyên liệu phù hợp.
Như khi khảm chân dung, người thợ thường sử dụng những mảnh ốc đỏ làm chủ đạo để nhân vật được nổi bật; còn bức phong cảnh nên chọn những nguyên liệu tối màu và điểm thêm mảnh ốc xanh, ốc đỏ… để tạo điểm nhấn. Muốn theo nghề khảm trai, người thợ phải có năng khiếu hội họa, niềm đam mê, sự sáng tạo.
Để giữ nghề, mỗi năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng tiếp nhận từ 5 đến 7 học viên, nhưng có người theo được gần 10 năm, nhưng có người chỉ vài tháng là bỏ…
Ông Đinh Ngọc Dư, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, cho biết: Nghề khảm trai có cách đây gần 1.000 năm, trải qua bao thăng trầm, nhưng đến nay nghề khảm trai đã trở thành nghề truyền thống và là nguồn sống chủ yếu của nhân dân xã Chuyên Mỹ với 90% số hộ gia đình tham gia.
Thu nhập từ nghề khảm trai chiếm khoảng 67% tổng thu nhập so với các ngành nghề khác trong xã. Nhờ vậy, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt hơn 96%. Xã có 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhiều người được cấp bằng chứng nhận Bàn tay vàng, Cúp vàng…
Thường niên mở hội
Hiện tại Phú Xuyên có 156/156 làng đều có nghề, trong đó 40 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề được hình thành từ rất lâu đời, như: làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ có từ thế kỷ XI; nặn tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề độc đáo ở Việt Nam, nghề đan cỏ tế ở xã Phú Túc; may complet ở Vân Từ; giầy da ở Phú Yên; đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Văn Nhân; cơ khí ở Đại Thắng; dệt lưới ở xã Quang Trung…
Trong ấn phẩm Đất Phú Xuyên – Người Phú Xuyên do Huyện ủy, HĐND – UBND huyện Phú Xuyên xuất bản năm 2005, lịch sử hình thành và phát triển của những nghề truyền thống trong huyện Phú Xuyên được miêu tả khá rõ nét.
Nong Bái Đô/ Bồ Bái Xuyên/Vải Hoàng Nguyên/Ren Thao Nội
Thôn Bái Đô, xã Tri Thủy có nghề làm nong, thôn Bái Xuyên thuộc xã Minh Tân giỏi nghề đan bồ, Hoàng Nguyên thuộc xã Tri Thủy có nghề dệt vải, Thao Nội thuộc xã Sơn Hà có nghề làm ren.
Rồi còn:
Đông Thôn xay xáo chàng ơi/ Dầu Tế rẽ guột ngồi rồi đếm trăm
Bằng Vồi nấu được rượu tăm/Đầu Đông thợ ngõa quanh năm cả làng
Đông Thôn nay là thôn Lưu Đông làm nghề hàng xáo, Dầu Tế nay là thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc đan guột tế, Đầu Đông là thôn Đào Đông, xã Hoàng Long làm nghề thợ xây.
Nói về nghề làm vàng mã của thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh:
Hòa Mỹ là đất làm vàng/ Kẻ Quán làm giấy, Đồng Quan buôn dầu
Phượng Dực thì đi buôn cau/ Ai ngờ nó phải duyên nhau nó về
Thôn Kẻ Quán nay là thôn An Cốc, xã Hồng Minh xưa có nghề làm giấy, Đồng Quan thuộc xã Phượng Dực xưa là vùng chợ chung cho khu vực trung tâm huyện buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền đi Quán Tròn, Vân Đình, Cống Thần, chợ Đại…
Cổ Đường làm kẹo mình ơi/ Kẻ Trể thợ mộc đứng ngồi trông mong
Cổ Đường xã Hoàng Long có nghề làm kẹo, Kẻ Trể nay là làng Tri Chỉ, xã Tri Trung có nghề thợ mộc.
Và nói về nghề của thôn xã Hoàng Long:
Kẻ Dũi làm dũi bán tôm/ Cổ Đường bán mật, Thanh Xuyên bán ngài
Kẻ Dũi, nay là thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long, Cổ Đường làm kẹo, Thanh Xuyên, xã Hoàng Long làm con giống.
Ngày nay, mặc dù có nghề đã bị mai một, có làng đã phát triển thành nghề mới nhưng vẫn thấy đọng lại ở đó là những bức tranh sinh động nhất về con người Phú Xuyên trong cuộc mưu sinh, toát lên giá trị tinh thần to lớn. Không chỉ là nghề truyền thống, nhiều làng còn là đất văn vật, có nhiều danh nhân, nhiều người hiển đạt mà tên tuổi được lưu truyền.
Bên cạnh việc quan tâm phát triển làng nghề, Phú Xuyên đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống như lễ giỗ tổ, tôn vinh nghệ nhân, các lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức hàng năm. Đình làng nghề, di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo.
“Ngày 26.10.2010, tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, đoàn đại biểu huyện Phú Xuyên tham gia thảo luận tại hội trường với nội dung “Huyện Phú Xuyên với việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.”
Nhận thức được vai trò to lớn của làng nghề, nên đoàn đại biểu huyện Phú Xuyên đã kiến nghị cần có ngày “Vinh danh làng nghề truyền thống.” Sau đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên đã và thống nhất lấy ngày 26.10 hàng năm làm ngày “Vinh danh làng nghề truyền thống” của huyện,” ông Trương Thế Cầu, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, chia sẻ.
Ngay năm sau đó, “Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống” lần thứ nhất đã được tổ chức thành công. Sự kiện này đã khích lệ người làm nghề, đặc biệt là các nghệ nhân sáng tạo ra những mẫu hàng độc đáo, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Từ đó đến nay, hàng năm, Phú Xuyên đều tổ chức lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện các nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, nghề da giày xã Phú Yên, nghề cỏ tế xã Phú Túc…
Năm nay, từ ngày 26.10 đến 29.10, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ III – 2017 với nhiều hoạt động đa dạng như: biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hội thi tay nghề, hội thảo, triển lãm ảnh…
Đặc biệt, không gian giao thương rộng gần 10.000m2 dành cho gần 350 gian hàng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm thuộc năm nhóm: dệt – may; thực phẩm, nông sản và đồ uống; thủ công nghiệp; nội thất.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, cho biết: Việc tổ chức lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống hàng năm đã tạo điều kiện, tiếp sức cho làng nghề truyền thống phát triển. Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm của làng nghề.
Cùng với đó, Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 05Ctr/HU về “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015 – 2020”, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống thông qua sự kết hợp giữa sản xuất của làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch; phối hợp phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề.
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề không chỉ đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của huyện Phú Xuyên mà còn tạo cơ hội cho người dân cải thiện cuộc sống, giải quyết vấn đề lao động cho cả người già, trẻ em, thanh niên và cả những người khuyết tật… Ngoài những giá trị về mặt kinh tế, các làng nghề tại Phú Xuyên rõ ràng rất có tiềm năng về du lịch”.